Mùa xuân vùng cao
Những ngày này, khi những vườn đào, vườn mận trên nương bắt đầu chớm nở, báo hiệu mùa xuân sang, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, vui mừng đón Tết cổ truyền. Tết cổ truyền của người Mông ngày nay diễn ra ngắn gọn, văn minh chứ không còn tốn kém như trước.
Háng Lìa, là một trong những huyện có nhiều đồng bào người Mông sinh sống nhất huyện Điện Biên Đông, vì vậy không khí đón Tết cổ truyền nơi đây rất náo nhiệt, đông vui. Đến các bản Háng Lìa A, B, Trống Dình, Hổi Tống A, B, Háng Tây, Hổi Va A, B, ... những ngày này, có thể cảm nhận không khí vui mừng chào đón năm mới đã lan tỏa trên khắp các bản làng người Mông.
Ghé chân tới bất kỳ một bản người Mông nào, âm thanh phổ biến, quen thuộc mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận là tiếng chày giã bánh dày vang lên khắp nơi xen lẫn tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như tù lu (đánh cù), ném pao, …
Tết cổ truyền của người Mông diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng) và kéo dài trong suốt 3 ngày. Đây là dịp để đồng bào Mông vui chơi, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả.
Để chuẩn bị cho ngày Tết được chu đáo, các gia đình đã tạm gác mọi công việc thường ngày để tập trung sửa sang nhà cửa, thay mới ban thờ… Công việc chuẩn bị được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu, nút chỉ cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện Tết. Còn cánh đàn ông lại tất bật mổ gà, mổ lợn để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình.
Năm vừa rồi thóc lúa được giá, các nương ngô cũng mang lại thu nhập không nhỏ nên năm nay, nhiều gia đình đón Tết có phần vui hơn. Còn con lợn, con gà đều do gia đình nuôi cả, không phải đi mua nên lúc nào ăn hết mới mổ tiếp, chứ không như trước đây mổ nhiều con, để thừa lãng phí.
Đối với người Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài các loại thịt, bánh dày là thực phẩm không thể thiếu. Tại bản ở đây không khí giã bánh dày sôi nổi, náo nhiệt như ngày hội lớn. Những người phụ nữ tất bật đồ chín gạo nếp nương - thành phần chính của bánh dày, còn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh thay nhau cho xôi vào một máng gỗ rồi dùng chày giã nhuyễn. Công việc này rất vất vả và tốn nhiều sức lực, nên giữa cái lạnh của mùa đông mà trên khuôn mặt chàng trai nào cũng đổ mồ hôi lấm tấm. Những hạt nếp đã được giã mịn và quyện vào nhau sẽ được gói lại bằng lá chuối theo hình tròn. Sau khi hoàn thành, người Mông bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.
Giống như bánh chưng của người Kinh, bánh dày là thứ bánh đặc trưng của Tết người Mông dùng để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Người Mông không đón giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm. Bởi họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Trong ngày đầu năm mới, đồng bào đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách những chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.
Một điều khá đặc biệt trong ngày Tết của người Mông đó là tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày, rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như một sự tri ân những công cụ sản xuất, bởi trong năm qua, những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.
Tết cổ truyền của người Mông cũng là dịp để trẻ em vui chơi, người già gặp gỡ, ôn lại chuyện cũ, còn các đôi trai gái thì tâm sự, tìm hiểu rồi kết duyên với nhau. Bởi vậy, trong những ngày này ở các bản của người Mông đâu đâu cũng thấy các cô gái, chàng trai xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, tụ tập thành từng nhóm trò chuyện với nhau.
Tại những khu đất rộng của bản, mọi người tập trung để chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức những điệu múa khèn độc đáo. Múa khèn cũng là một trong những cách để các chàng trai người Mông thu hút ánh mắt của cô gái mà mình thích. Trong bộ trang phục dân tộc nổi bật, các chàng trai thi nhau thổi khèn, tiếng khèn ai càng dài, càng réo rắt kết hợp với điệu nhảy càng dẻo sẽ được nhiều cô gái để ý. Vì vậy, nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết cổ truyền và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc này.
Khi màn sương buông xuống trên khắp các sườn núi, mọi người cùng quây quần bên các đống lửa lớn. Dường như cái lạnh của buổi tối không ngăn bà con tiếp tục cuộc vui. Họ ngồi sát lại bên nhau, lắng nghe những tiếng khèn điệu hát, những cái nắm tay thân mật như tăng thêm tình đoàn kết, để cùng nhau bước sang một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc.